Gửi cậu – ngày hôm qua của tớ,
Cậu là một đứa trông có vẻ tự tin, nhưng luôn mang trong bản thân một sự tự ti, một sự hà khắc với bản thân, một mối nghi hoặc về khả năng của mình, một nỗi sợ bị người khác nghĩ không tốt. Cậu sẵn sàng thay đổi bản thân để hài lòng cả thế giới. Cậu luôn nghĩ mình là một chú cừu đen giữa ngôi trường Ngoại Thương đầy những người tài giỏi, vì cậu không hề thích tiền bạc hay lợi nhuận.
Cậu áp lực vì thành tích của các bạn, cậu không nghĩ được sau này mình sẽ làm gì, rồi cậu cũng sẽ theo con đường MT, rồi làm công ty xuất nhập khẩu? Bố mẹ kỳ vọng ở cậu, rằng cậu sẽ tốt nghiệp với tấm bằng Ngoại Thương danh giá, rồi làm ở một công ty lớn lương cũng tính bằng đô.
Cậu chưa bao giờ dám thừa nhận, tất cả những rối ren trong lòng, tất cả những thứ cậu nghĩ, những thứ cậu thích, cậu chấp nhận thay đổi bản thân, để làm vui lòng mọi người, như thường lệ. Cậu cố gắng khiến mình thật bận rộn, để không phải nghĩ, về tương lai. Cậu chưa bao giờ cho phép bản thân thời gian để nghĩ, cậu chưa bao giờ dám thử những thứ cậu thích làm, vì cậu nghĩ đó không phải là thứ một đứa Ngoại Thương nên làm.
- Mình không dám mặc váy vì chân có một vết bỏng lớn
- Mình không dám nhảy nhót vì từng có người bảo mình cứng đơ
- Mình không dám tết tóc vì sợ người khác nghĩ mình bánh bèo
- Mình không dám dạy học vì mình ở Ngoại Thương và mình nghĩ mình cần kinh doanh hay làm xuất nhập khẩu
Và vô vàn những thứ không dám khác vô hình bào mòn bản thân cậu mỗi ngày.
Rồi cậu chợt nhận ra, thời sinh viên của cậu sắp hết rồi, cậu đã vượt qua tất cả những nỗi sợ bé bé ấy, để ra một chiếc quyết định lớn lớn – đi Thái Lan làm tính nguyện 6 tuần.
1 tháng rưỡi.
1 tháng rưỡi không có bố mẹ kề bên.
1 tháng rưỡi không bận rộn chạy tới chạy lui giữa các cuộc họp nhóm họp ban.
Lúc đầu tớ biết cậu cũng sợ lắm, cậu thậm chí còn chưa từng đi máy bay bao giờ, cậu quyết tâm xin bố mẹ, cậu chuẩn bị mọi thứ thật kĩ càng, nhưng tớ biết cậu vẫn sợ, cho đến giây phút sắp bay đi rồi, giây phút sắp không còn dùng được sim Việt Nam, cậu mới cảm thấy như sắp chia tay cuộc sống ở Việt Nam, mà bất chợt nhấc máy lên gọi bố “Con đi nhé!”

Lúc mới sang, dù được các bạn giúp đỡ rất nhiều, những cậu vẫn gặp khó khăn đúng chứ, tất cả mọi thứ đối với cậu đều là lần đầu, lần đầu đi máy bay, lần đầu ra nước ngoài, lần đầu dạy học (trong một dự án dạy học cho trẻ vùng cao Sawasdee và không có một bạn Việt Nam nào làm cùng).
Cậu luôn nghe mọi người kể về lòng yêu nước, nhưng chỉ lúc này cậu mới hiểu được thế nào là yêu nước thật sự. Trong thời gian chuẩn bị cho Global Village (một sự kiện mà các bạn thực tập sinh từ các nước sẽ thể hiện văn hoá của đất nước mình tại các gian hàng), lần đầu tiên cậu thấy cô đơn vì gian của các nước khác có nhiều bạn đi cùng nhau cùng làm Indonesia 15 bạn, Trung Quốc 6 bạn, Malaysia 4 bạn, chỉ có gian Việt Nam chỉ có mình cậu, lần đầu tiên cậu thấy mình đang mang cả đất nước trên vai, cậu lại bị ám ảnh bởi những lời người khác nói, cậu tự tưởng tượng ra những lời người khác sẽ nhìn vào và nói về cậu, mà giờ không phải mình cậu, họ sẽ nói về Việt Nam. “Vietnamese are too shy” “Vietnamese are easy to cry”. Không, cậu sẽ không để cho chuyện đó xảy ra, cậu luôn tự động viên bản thân, mạnh mẽ lên, cậu giấu đi đôi bàn tay run run của mình, cậu lau mồ hôi túa ra trong lòng bàn tay. Lúc đấy có một anh bạn buddy người Thái (mỗi thực tập sinh nước ngoài sẽ có một bạn buddy người Thái) đã nói với cậu rằng: “You, just need to shine your own light, you are enough, don’t stress yourself, don’t be strict to yourself, don’t carry something big on your small shoulders please”. Và cậu khóc, cậu ôm chầm lấy ảnh mà khóc. Đúng! Cậu chỉ cần là cậu, thể hiện chính cậu, sự chân thành của bản thân, sự dũng cảm của bản thân, của người Việt Nam. Đêm đó là một đêm tuyệt vời nhất với cậu, cậu đã thực sự xúc động khi nhìn thấy cờ Việt Nam được giương lên, nghe Quốc Ca vang lên trong khán phòng, cậu đã tự hào chết đi được trong chiếc áo dài truyền thống, và cậu thao thao bất tuyệt giới thiệu về Việt Nam cho các bạn nước khác.

Sau 3 ngày training và giao lưu văn hoá, cậu chia tay Băng Cốc, đến với tỉnh miền núi giáp Lào. Ở đây, cậu như được sinh ra lần nữa, trong một gia đình người Thái (nhà host), có bố mẹ ông bà và anh em người Thái, cậu được hoà mình vào một nền văn hoá mới, nghe một ngôn ngữ mới, sống một đời sống mới.

- Mình không dám thử đồ ăn Thái
- Mình không dám mặc váy đến lớp vì có vết bỏng, liệu bọn trẻ có đánh giá mình
- Mình thấy cách dạy này không ổn, nhưng mình không dám nói

Trôi qua một tuần, những thứ cậu dạy đều không đọng lại trong bọn nhỏ, cậu cầu toàn và muốn mình có ích cho dự án, nhưng những thứ cậu làm, dạy tụi nhỏ từ vựng hay ngữ pháp đều vô ích, cậu lại có quá nhiều thứ không dám làm. “Cuộc đời người Thái của mình chỉ có 6 tuần chứ mấy, nghĩa là chỉ còn đúng 5 tuần nữa là chết rồi”. Vì suy nghĩ ấy, cậu quyết định lên nói chuyện với thầy hiệu trưởng, sau buổi nói chuyện 5 tiếng đồng hồ, cậu được thầy hiệu trưởng cho phép dạy theo cách của mình, không cần phải theo khuôn mẫu và cách dạy cũ.
Cậu không còn đặt mục tiêu là cho bọn trẻ nắm từ vựng hay ngữ pháp nữa, cậu dùng điểm mạnh của bản thân, truyền cảm hứng cho tụi nhỏ, cậu kể những câu chuyện về cách học tiếng anh của bản thân, cậu chứng minh cho các em thấy rằng cậu cũng chẳng giỏi giang gì, cũng từng đứng trước mặt người nước ngoài mà lắp bắp “Hello, what’s my name?” rồi bật khóc vì hổ thẹn. Cậu tuôn một tràng tiếng Thái nói chuyện với tụi nhỏ, làm chúng nó bất ngờ, rồi giới thiệu cách học qua phim, cậu nhấn mạnh rằng mình có thể học tiếng Anh hay tiếng Thái qua phim, thì các em cũng làm được thôi. “Kru Min can do it, so you can also do it”. Cậu cho tụi nhỏ chơi games và lồng ghép tiếng anh vào, hơn là đọc chép học thuộc. Vậy đó, cậu vui chết đi được khi thấy lớp học tiếng anh tăng từ 4 em lên 50 em trong vòng 1 tuần.
Cậu có nhiều thời gian hơn để nghĩ về bản thân, nghĩ về những thứ cậu thích, cậu thấy cuộc sống ngắn ngủi và những câu “Mình muốn… nhưng mình không dám vì….” thật vô nghĩa, muốn đủ thì làm được thôi. Cậu lập một danh sách những thứ chưa dám làm bao giờ và tick hoàn thành sau khi làm xong. Chỉ sống ở Thái có một lần thôi, bị người khác nghĩ này nọ thì đã sao chứ.
- Nấu món Việt
- Mặc váy đến lớp
- Tết tóc đi dạy
- Quẩy karaoke và nhảy nhót hết mình cùng học sinh
- Làm một event chạy trạm cho học sinh
- Vẽ chân dung của hai đứa học sinh yêu thích
- Thử 10 món ăn Thái
- Học nấu món Thái
- …
Cậu không chỉ không thay đổi bên trong bản thân, cậu thực sự thấy bản thân đã làm được gì đó cho vùng đất này. Khi chỉ còn 1 tuần còn lại ở Thái, cậu không còn đứng lớp nhiều nữa, cậu lùi lại phía sau và quan sát nhiều hơn, cậu thấy thấy giáo viên trong trường cũng bắt đầu dạy theo cách của cậu, cho tương tác chơi games kể chuyện nhiều hơn. Cậu giúp giáo viên ở trường hiểu hơn về sở thích các em, và từ đó có các cách dạy khác nhau với từng em, có những em thích BTS, thì chỉ cần chỉ em cách xem video về thần tượng của mình bằng engsub là các em đã có thể học tiếng anh một cách tự nhiên và không bị chán. Cậu dạy cho mọi người trong ngôi làng cậu sống cách nấu món Việt, cậu nói chuyện với trưởng làng về việc dân trong làng đốt rác sẽ ảnh hưởng thế nào, và làm sao để tái chế nhựa. Cậu khuyên mẹ Thái (mẹ Thái có 2 đứa con, 1 trai 1 gái) không nên hướng con theo thứ nó không thích (vì cậu phát hiện ra cô bé không hề thích làm giáo viên mà thích làm hoạ sĩ, nó luôn giấu mẹ để vẽ vời và chưa bao giờ dám nói với mẹ cả).

Cậu rời đất Thái với một sự trọn vẹn và không còn gì tiếc nuối, cậu rời Việt Nam với suy nghĩ đi làm tình nguyện nhưng cuối cùng, cậu nhận lại được nhiều hơn thế. Dù cậu vẫn hà khắc với bản thân, nhưng cậu dám thử, dám làm, dám sống hơn, cậu thấy cuộc sống ở Việt Nam cũng giống như cuộc sống ở Thái, thời gian rồi cũng hết, nếu không dám làm thì thứ nhận lại chỉ có thể là tiếc nuối.
Cậu dám chạy Vietnam 3D – một dự án 8 tháng về du lịch bền vững mà cậu nghĩ cậu sẽ chẳng bao giờ làm được. Cậu dám nói với bố mẹ rằng “Con có thể làm ở UNICEF mà không làm công ty được không?”. Cậu dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe bản thân muốn gì, cậu cũng không còn phải quá áp lực, ở Ngoại Thương, mỗi người luôn có cách riêng để toả sáng dựa trên điểm mạnh của mình, và dù cậu có phủ nhận hay không, Ngoại Thương cũng dạy cho cậu cách tự lập , cách quản lý bản thân mình, cách quản lý một tổ chức dù sau này cậu có làm tổ chức phi chính phủ hay tạo tác động tích cực lên xã hội đi nữa, cậu vẫn cần kiến thức về quản lý. Mới đây, tháng trước, cậu vừa về thăm lại vùng đất cậu đã từng thuộc về, mọi thứ vẫn thế, vẫn như ngày nào, con người vẫn thế (ngoài việc có vài người già trong làng đã không còn nữa, quà Việt Nam cậu mua sang giờ cũng chỉ mang dâng phần mộ) thì mọi người vẫn yêu thương cậu, chào đón cậu như đứa con đi xa trở về.

Vậy đó, đó là một cuộc đời ngắn hạn mang lại cho cậu nhiều thứ, mang lại cho cậu một tinh thần liều, làm, trải và lớn.
“It’s not 6 weeks in life, it’s a life in 6 weeks”
Cảm ơn cậu, vì quyết định đó!
Cảm ơn cậu, phiên bản “tôi” của 1 năm trước!
Ngoại Thương, 13/4/2019.
