Global Volunteer
October 7, 2024

"Tình nguyện" không chỉ là tình nguyện

2020 là năm rất đặc biệt đối với mình. Tạm gác lại việc học đại học, chuyến đi tình nguyện 6 tuần tại Malaysia là mở đầu cho một năm đầy màu sắc và ý nghĩa của mình. 

Tình nguyện quốc tế - nơi truyền trao giá trị không rào cản của ranh giới

Mình đã tham một dự án có tên là “Southern Youth Leadership Conference”. Vai trò của mình trong dự án này là cùng với các bạn tình nguyện viên đến từ khắp thế giới và địa phương tổ chức các buổi workshop, hội nghị với nội dung xoay quanh SDG 4 và SDG 8 của liên hợp quốc, nghĩa là nhằm phát triển khả năng lãnh đạo và tinh thần khởi nghiệp cho các em học sinh cấp 2, cấp 3 ở địa phương. Để có thể hỗ trợ các em học sinh phát triển các phẩm chất này, bản thân người tổ chức tụi mình phải chăm chỉ học hỏi và rèn luyện. Tụi mình có thời gian tổng kết lại các trải nghiệm đã học hỏi trong quá khứ. Được đến các công ty, tập đoàn và các doanh nghiệp khởi nghiệp ở địa phương để nghe chia sẻ của các doanh nhân, huấn luyện một số kỹ năng cần thiết. Sau 2 tuần đầu tiên được học tập và huấn luyện từ người có chuyên môn, chúng mình bắt đầu tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề sau đó. Đó là lúc áp lực nhất của dự án, chúng mình phải dốc toàn lực tự đúc kết lại những kiến thức, kỹ năng của bản thân trước khi chia sẻ với các em học sinh. Khi chia sẻ và hỗ trợ các em, nhìn các em năng nổ, hứng thú học hỏi và có một số kiến thức tích cực sau đó. Mình thật sự hiểu ý nghĩa của việc học và truyền trao kiến thức. 

Đặc biệt nhất là trong hội nghị 2 ngày 1 đêm tụi mình tổ chức, nhóm học sinh mình hỗ trợ đã đạt được giải nhất của cuộc thi sau đó. 

Hội nghị này được tổ chức gồm nhiều bên nên mình chỉ hỗ trợ một vài nội dung. Trong lúc hơi cảm thấy chán nản khi không còn nhiệm vụ để làm. Mình nghĩ lại lý do mình đến đây là gì? Mình đến đây là để cống hiến, trao đi giá trị bằng cả khả năng của mình với cộng đồng. Chứ không phải đến đây là vì để có vai trò làm việc nào đó. Mình có thể làm bất cứ điều gì, không thuộc vai trò gì cả nhưng nó bổ trợ cho mục đích lớn nhất của mình khi tới đây, chính là truyền đi giá trị. 

Nghĩ đến đây, mình bắt đầu đi vòng quanh xem xem mình có thể giúp được gì. Vì đó là phần của các giáo sư và một số chuyên gia lên chia sẻ và giúp các em ấy lên ý tưởng nên đa phần tình nguyện viên tụi mình được nghỉ ngơi. Mình chợt nhìn thấy một nhóm đang không có người đến hỗ trợ, mình đã xin đến đó để hỗ trợ các em. 

Đầu tiên mình lắng nghe xem các em đang thảo luận ở chỗ nào, còn bối rối chỗ nào để nắm bắt vấn đề. Sau đó mình hỏi các em có chỗ nào cần mình hỗ trợ không. Vì làm một dự án dựa trên 17 SDGs của LHQ khiến các em cảm thấy xa vời, hoang mang và chưa biết bắt đầu từ đâu. Đó chính xác là cảm giác của mình khi tham gia dạy ở Cambodia trong chương trình có tên “World’s Largest Lesson” về 17 SDGs của LHQ trước đó. Mình cũng khá hoang mang vì chủ đề khá to lớn. Sau khi giành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu trước khi dạy. Mình nhận ra một điều đó là mọi sự to lớn điều bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất. 

Mình bắt đầu chia sẻ về trải nghiệm đó với các em. Kể về cuộc sống ở đó còn thiếu thốn như thế nào, phổ biến các SDGs sẽ giúp ích cho cuộc sống nhiều người như thế nào. 

Câu chuyện đó đã chạm đến trái tim của các em học sinh trong nhóm. Mình nhận ra khi nhìn thấy các em cực kỳ chăm chú nghe mình nói và bảo rằng “Em quyết tâm làm dự án này”. Thế là mình cũng các em lên ý tưởng cũng như kế hoạch cho dự án. 

Người hỗ trợ hay người trưởng nhóm cần phải giữ được lửa và truyền lửa cho các thành viên. Trước khi lên trình bày về dự án, không may vì học sinh được phân công thuyết trình bị đau họng và em sợ làm ảnh hưởng đến cả nhóm. Mình cho các em họp nhóm lại và động viên lẫn nhau. Những lúc như vậy, cần nhất là sự tin tưởng và thấu hiểu. Lần họp nhóm đó đã giúp cho mình và các em thêm gắn kết. Em ấy dù bị đau họng nhưng đã quyết tâm hoàn thành phần trình bày. 

Kết quả là các em nằm trong top 3 của hội nghị. Khi kết thúc hội nghị, mình được vinh dự đến trường của các em để trao thưởng và rất bất ngờ khi biết được nhóm các em là đứng nhất trong tất cả dự án. Các em vỡ òa rồi ôm chầm lấy tôi. Tôi cảm thấy trái tim mình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vì hạnh phúc. Truyền trao giá trị không bị rào cản bởi định kiến, nỗi sợ sẽ mang đến những điều ý nghĩa, hạnh phúc vỡ òa như vậy. 

Khi chia tay, em trưởng nhóm lại nói với mình rằng “Sau này lớn lên, em muốn qua Việt Nam tình nguyện và để thăm chị Mayy.”

Sau tất cả những sự kiện, đã có rất nhiều lần mình phải đối mặt với nỗi sợ của bản thân rằng mình không đủ tốt, mình không đủ giỏi, tiếng Anh của mình không giỏi,... Nhưng mình đã vượt qua hết thảy những cảm xúc đó, vì nó không đủ lớn bằng việc mình thật sự yêu thích công việc tình nguyện. Mình tập trung vào những gì mình có thể mang lại cho các em học sinh rồi nỗi sợ cũng tan biến dần. 

Đi làm tình nguyện hãy làm bằng cả trái tim, rồi bạn sẽ nhận ra không có bất kỳ rào cản nào mang tên nỗi sợ, khác biệt ngôn ngữ, văn hóa nữa. 

Đi làm tình nguyện hãy làm bằng cả trái tim, bạn sẽ nhận lại cả bầu trời. 

Tình nguyện quốc tế - nơi tình bạn không rào cản bởi văn hóa

Tại Malaysia, mình được sống trong ngôi nhà có tên là “ngôi nhà hạnh phúc”và cũng giống như cái tên, những người sống ở đó điều hạnh phúc. May mắn là đợt mình đi, các tình nguyện viên từ ba dự án khác nhau ở chung một nhà. Nhờ vậy mà tụi mình thân thiết và gắn kết với nhau lắm.

Trao đổi văn hóa và ngôn ngữ mọi lúc mọi nơi. Mỗi tối sẽ cùng nhau nấu và nếm thử các món ăn của nhau. Mình nhớ sau một tuần ở đây, mình đã tập và ăn bốc thành công. Cách làm sao để một lần bốc được nhiều cơm và đưa vào miệng không bị đổ ra ngoài. 

Các bạn rất thích nói tiếng Việt và ăn đồ ăn Việt. Thường đến hỏi các câu tiếng Việt rồi lưu lại học. Khi mình nấu ăn thì thích thú quan sát, hỏi mình cách nấu và ghi lại. 

Trong sự kiện “Global Village” người bạn đến từ Indonesia đã tặng mình một món quà và nói: “Tớ mang đến Malaysia 2 chiếc váy truyền thống, 1 chiếc để mặc trong ngày hội Văn hóa, 1 chiếc để tặng cho người bạn nước ngoài mà mình yêu quý nhất ở đây - người đó là cậu đó Mayy”.

“Dưới bếp có 1 quả chuối có ghi tên Daisy, các em xuống lấy ăn cho mát nha.” Đó là người chị cả Daisy. Khi nghe câu này mình thấy ấm áp đến lạ lùng. Tết năm ấy mình xa nhà, nhưng rất hạnh phúc vì được ở cùng với những con người ấm áp và đáng yêu như vậy. Nhà có 3 người Việt Nam tham gia 3 dự án khác nhau, chị cả Daisy là lớn nhất, bé Fang là nhỏ nhất cả 2 đều học và làm việc ở Hà Nội. Đặc điểm chung của ba chị em là cực kỳ thèm rau và trái cây. Đồ ăn ở Malaysia khá ít rau nên chúng mình thường mua riêng và chia sẻ cho nhau. 

“Mayy ơi em ăn gì chưa? Mang theo hộp sữa này mà uống chứ để xỉu đó” nhận hộp sữa từ tay chị Daisy mà mình cảm nhận cả một bầu trời yêu thương ở đó. 

Mình có cái tật là nhiều khi làm hăng say quá sẽ dễ quên cả ăn ngủ. Lần đó là buổi workshop cuối cùng của dự án mình. Thời gian chuẩn bị khá là ngắn và gấp gáp nên hôm diễn ra sự kiện mình chẳng ăn gì cả từ sáng tới chiều. Hộp sữa chị Daisy tặng như tiếp sức cho mình cả ngày hôm ấy, buổi workshop cũng rất thành công. 

Mình luôn biết ơn người đã tạo ra chương trình tình nguyện diễn ra trong 6 tuần. 6 tuần không ngắn cũng không dài, 6 tuần đủ để những con người xa lại đến từ các quốc gia khác nhau trở thành bạn bè thật sự. 

Tình nguyện quốc tế - nơi tình thương không rào cản bởi ngôn ngữ

Ngoài việc hoàn thành tốt vai trò của mình trong dự án, mình cũng rất thích tìm hiểu hai dự án còn lại. Dự án của các bạn mình có tổ chức buổi workshop về môi trường ở trại mồ côi. Buổi chiều đó mình không bận nên đã xin tham gia. Ở đó đa số các em nói chuyện bằng tiếng Trung. Lần đầu tiên đến, có nhiều bạn biết tiếng Trung đi cùng nên việc giao tiếp với các em rất dễ dàng. 

Lần sau, tụi mình đến tạm biệt các em khi các dự án gần kết thúc. Nhưng lần này những bạn biết tiếng Trung không đi cùng nữa. Mình chuẩn bị sẵn vài câu tiếng Trung để giao tiếp cùng các em nhưng vẫn gặp một số khó khăn khi giao tiếp. Đột nhiên mình nghĩ ra ý tưởng, mình bảo các em dạy mình tập đếm tiếng Malaysia, mình thì dạy các em tập đếm tiếng Anh. Ngay tại lúc đó mình cảm thấy không còn rào cản gì giữa mình và các em ấy nữa. Chỉ có tình yêu thương ở lại. Mình chợt nhớ một ý trong quyển sách mình hay đọc rằng “ngôn ngữ của Vũ Trụ” thật đúng với trường hợp này. Có một thứ ngôn ngữ không có bất kỳ rào cản hay định kiến trên đời, đó chính là ngôn ngữ của tình thương.

Rồi cũng đến lúc nói lời tạm biệt. Các em cứ nắm tay mình mãi không buông, ghé vào tai mình nói với mình câu gì đó nhưng mình không hiểu (câu đó nằm ngoài những câu tiếng Trung mình đã chuẩn bị sẵn). Đang lúc loay hoay thì cậu bé biết tiếng Anh đến nói với mình là “Các em hỏi tỷ tỷ có quay lại đây nữa không?” Tự nhiên nước mắt mình rưng rưng, mình không muốn nói dối tụi nhỏ nên trả lời lại “Chị không chắc là chị có cơ hội quay lại nữa không nhưng chị chắc chắn là cả đời này sẽ không quên các em!” 

Chuyến đi tình nguyện này là điều mình đã ấp ủ từ khi là học sinh trung học. Và nó đã diễn ra một cách tuyệt vời nhất có thể. Mỗi lần nghĩ đến là mình lại được chìm vào trong vô vàn những cảm xúc vui vẻ và hân hoan. Những điều mình học được ở chuyến đi không chỉ giúp mình hiểu rõ bản thân hơn mà còn hiểu rõ hơn về cuộc sống ngoài kia. 

6 tuần tình nguyện, một đời để nhớ!

Vì tình hình dịch bệnh COVID-19, các dự án tình nguyện Quốc tế Global Volunteer vẫn đang tạm ngưng. Bạn có thể đăng ký nhận thông tin về các chương trình của AIESEC tại: http://bit.ly/ttin6t0q